Bệnh thận mạn là bệnh lý xảy ra khi có những bất thường về cấu trúc và chức năng thận kéo dài trên 3 tháng. Những bệnh nhân bị suy thận mạn thường gặp phải tình trạng thiếu máu. Khi tình trạng suy thận mạn càng nặng thì tình trạng thiếu máu cũng trở nên tồi tệ hơn.
1. Suy thận mãn tính là gì?
Thận là cơ quan có chức năng lọc máu và sản xuất nước tiểu, bài tiết các chất thải của cơ thể đi ra ngoài, đảm bảo cân bằng điện giải, duy trì sự ổn định của huyết áp và tham gia vào quá trình tạo máu. Bệnh thận mạn là bệnh lý xảy ra khi có những bất thường về cấu trúc và chức năng thận kéo dài trên 3 tháng, có ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Bệnh thận mạn tính thường diễn biến một cách âm thầm và khó phát hiện, nó thường dẫn đến tình trạng suy thận mạn vào giai đoạn cuối của bệnh. Như vậy ta cần phân biệt rõ khái niệm bệnh thận mạn và suy thận mạn. Bệnh thận mạn là bệnh gồm nhiều giai đoạn, bệnh nhân chỉ được coi là suy thận mạn khi mắc bệnh thận mạn có mức lọc cầu thận < 60ml/phút, tương ứng với bệnh thận mạn ở các giai đoạn III, IV, và V.
Bệnh nhân bị suy thận mạn thường gặp những triệu chứng như:
- Thiếu máu: da xanh tái, niêm mạc nhạt màu, thường bị hoa mắt chóng mặt. Mức độ thiếu máu tỷ lệ thuận với độ nặng của bệnh. Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ăn kém, giảm các hoạt động thường ngày. Đây chính là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị suy thận mạn.
- Tăng huyết áp
- Triệu chứng thần kinh-cơ như bị chuột rút, cảm giác như kiến bò, bỏng rát ở chân,…
- Gặp những vấn đề về xương khớp như loãng xương, viêm xương,…
- Chán ăn, buồn nôn, ở giai đoạn muộn bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, loét miệng, loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa.
2. Tại sao suy thận mạn lại thiếu máu
Khi chức năng thận của bệnh nhân bị suy giảm, thận không còn khả năng sản sinh ra đủ hormon erythropoietin. Ở người trưởng thành, erythropoietin là nội tiết tố có chức năng kích thích tủy xương sản sinh ra hồng cầu. Một khi erythropoietin bị thiếu hụt, hồng cầu sẽ không thể biệt hóa được, tức là không “chín” được để trở thành hồng cầu trưởng thành, gây ra tình trạng thiếu máu.
Ngoài nguyên nhân do thiếu hụt erythropoietin, tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn còn đến từ việc chạy thận nhân tạo trong quá trình điều trị của bệnh nhân. Khi máu được luân chuyển ra khỏi cơ thể qua hệ thống các ống dẫn và các thiết bị, một lượng máu sẽ bị thất thoát, điều này khiến bệnh nhân bị mất máu sau mỗi lần chạy thận.
Ngoài ra việc thiếu hụt dinh dưỡng do bệnh nhân bị suy thận mạn thường ăn uống kém dẫn đến tình trạng thiếu sắt, thiếu vitamin B12, thiếu acid folic cũng gây nên tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân bị suy thận mạn.
3. Những biến chứng khi thiếu máu của bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính
Biến chứng chủ yếu khi đối mặt với tình trạng thiếu máu ở các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính là biến chứng tim mạch. Bao gồm:
- Nhịp tim bất thường, nhịp tim nhanh bất thường, đặc biệt là khi hoạt động mạnh như tập thể dục.
- Cơ tim nở ra.
- Suy tim. Đây là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể diễn ra trong một thời gian dài.
Nguồn Vinmec
Đông Dược Thiên Phúc – Hotline: 0888 268 258 – Hãy bảo vệ sức khỏe thận của bạn ngay hôm nay với Thasucavn Extra hỗ trợ bổ thận và phục hồi chức năng thận!