
Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh
Đã kiểm duyệt nội dung
Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.
Xem thêm thông tin
Tiểu không tự chủ là tình trạng mất kiểm soát bàng quang, khiến người bệnh không thể kiểm soát quá trình đi tiểu. Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm rối loạn cơ sàn chậu, nhiễm trùng đường tiết niệu và phì đại tiền liệt tuyến. Trong nhiều trường hợp, triệu chứng này có thể cải thiện nếu được điều trị đúng cách.
- Tìm hiểu chung
- Triệu chứng
- Nguyên nhân
- Nguy cơ
- Phương pháp chẩn đoán & điều trị
- Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa
Tìm hiểu chung tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ là gì?
Tiểu không tự chủ là tình trạng mất kiểm soát bàng quang, khiến người bệnh không thể kiểm soát quá trình đi tiểu. Đây là vấn đề phổ biến, có thể nhẹ hoặc nặng, và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được cải thiện với các phương pháp điều trị phù hợp.
Có nhiều loại tiểu không tự chủ khác nhau:
- Tiểu không tự chủ do áp lực;
- Tiểu không tự chủ do cảm giác buồn tiểu cấp bách;
- Tiểu không tự chủ do bàng quang đầy;
- Tiểu không tự chủ do chức năng;
- Tiểu không tự chủ hỗn hợp;
- Tiểu không tự chủ tạm thời;
- Đái dầm.
Triệu chứng tiểu không tự chủ
Những dấu hiệu và triệu chứng của tiểu không tự chủ
Rò rỉ nước tiểu: Đây là triệu chứng chính của tiểu không tự chủ, có thể là rò rỉ liên tục hoặc thỉnh thoảng. Rò rỉ nước tiểu khi:
- Ho, cười, hắt hơi;
- Nâng vật nặng hoặc tập thể dục;
- Cảm giác buồn tiểu nhưng không kịp vào nhà vệ sinh;
- Vào ban đêm (tiểu đêm).
Cảm giác buồn tiểu nhiều: Xuất hiện không kiểm soát được và người bệnh phải tiểu ngay.
Biến chứng của tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ có thể dẫn đến các biến chứng:
- Da bị kích ứng: Do rò rỉ nước tiểu liên tục, da vùng cơ quan sinh dục và hậu môn có thể bị viêm hoặc kích ứng.
- Nhiễm trùng da: Khu vực tiếp xúc với nước tiểu lâu ngày dễ bị nhiễm trùng.
- Giảm chất lượng cuộc sống: Người bệnh có thể cảm thấy xấu hổ hoặc bất tiện trong các hoạt động hàng ngày.
- Nguy cơ té ngã: Đặc biệt ở người lớn tuổi khi phải nhanh chóng vào nhà vệ sinh, có thể dẫn đến té ngã.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi trao đổi về chứng tiểu không tự chủ với bác sĩ. Nhưng nếu tiểu không tự chủ xảy ra thường xuyên hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, bạn cần đến khám, được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm vì chứng tiểu không tự chủ có thể:
- Khiến bạn hạn chế các hoạt động và hạn chế các tương tác xã hội của mình.
- Ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bạn.
- Tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi khi họ vội vã đi vệ sinh.
- Có thể là dấu hiệu của những bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân tiểu không tự chủ
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ có thể kể đến bao gồm:
Nguyên nhân tạm thời:
- Chế độ ăn uống và thuốc: Các loại thức uống như rượu, caffeine, nước có gas, hoặc các loại thức ăn cay, chua, giàu đường có thể kích thích bàng quang và gây tiểu không tự chủ. Thuốc lợi tiểu, thuốc giãn cơ và vitamin C liều cao cũng có thể gây ra tình trạng này.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nhiễm trùng có thể gây kích ứng bàng quang, dẫn đến tiểu gấp và tiểu không kiểm soát.
- Táo bón: Phân cứng có thể làm tăng áp lực lên các dây thần kinh chung với bàng quang, gây ra tiểu thường xuyên và tiểu không tự chủ.
Nguyên nhân kéo dài:
- Mang thai và sinh con: Thay đổi hormone và áp lực của thai nhi lên bàng quang gây ra tiểu không tự chủ do căng thẳng. Sinh con qua đường âm đạo (sinh thường) có thể làm yếu các cơ kiểm soát bàng quang.
- Lão hóa: Sự lão hóa của các cơ bàng quang làm giảm chức năng các cơ vùng sàn chậu, giảm khả năng lưu trữ nước tiểu, dẫn đến tiểu không tự chủ.
- Mãn kinh: Sau mãn kinh, giảm hormone estrogen có thể làm suy yếu lớp niêm mạc bàng quang và niệu đạo.
- Tuyến tiền liệt phì đại: Đặc biệt ở nam giới, phì đại tuyến tiền liệt có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và tiểu không tự chủ.
- Rối loạn thần kinh: Các bệnh lý như đa xơ cứng, Parkinson, đột quỵ hoặc tổn thương tủy sống có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bàng quang.
