Tăng huyết áp và bệnh thận là 2 trạng thái bệnh liên kết chặt chẽ với nhau, tăng huyết áp kéo dài có thể dẫn đến làm suy giảm chức năng thận và việc suy giảm của chức năng thận có thể dẫn đến việc kiểm soát huyết áp xấu đi.
1. Bệnh thận là gì?
Ở đây đề cập đến bệnh thận mạn, là tình trạng thận bị tổn thương do các bệnh lý khác, chẳng hạn như tiểu đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận khiến cho thận không thể đảm bảo thực hiện tốt những chức năng như:
- Loại bỏ chất thải, chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể
- Giải phóng hormone giúp kiểm soát huyết áp, thúc đẩy xương chắc khỏe, ngăn ngừa thiếu máu bằng cách tăng số lượng hồng cầu trong cơ thể.
- Giữ cân bằng điện giải
- Duy trì cân bằng nồng độ acid, base trong cơ thể
Khi thận của bạn không hoạt động tốt, chất thải có thể tích tụ ở mức cao trong máu và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Thậm chí trước đó, bệnh nhân mắc bệnh thận có thể phát triển các biến chứng như huyết áp cao, thiếu máu, xương yếu, sức khỏe dinh dưỡng kém và tổn thương thần kinh. Bệnh thận cũng khiến bạn dễ mắc bệnh tim và mạch máu. Những vấn đề này có thể xảy ra chậm, trong một thời gian dài, thường không có triệu chứng. Bệnh thận mạn cuối cùng có thể dẫn đến suy thận cần lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng này.
2. Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch khi tim bơm máu đi khắp cơ thể. Nếu áp lực này tăng cao hơn mức bình thường thì được gọi là tăng huyết áp hay huyết áp cao.
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận. Theo thời gian, huyết áp cao gây tổn thương mạch máu khắp cơ thể, điều này có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho những cơ quan quan trọng như thận. Tăng huyết áp cũng gây tổn thương cho những đơn vị lọc cầu thận, khiến cho thận không thể lọc được hết chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, những chất lỏng này tích tụ trong mạch máu và khiến tình trạng tăng huyết áp trầm trọng hơn.
Tăng huyết áp cũng là một biến chứng của bệnh thận. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định huyết áp. Thận bị tổn thương sẽ giảm khả năng điều hòa huyết áp, dẫn đến tình trạng huyết áp tăng.
3. Tại sao mắc bệnh thận thì huyết áp lại cao?
Sinh lý bệnh của tăng huyết áp ở bệnh nhân mắc bệnh thận rất phức tạp và là di chứng của nhiều yếu tố, bao gồm giảm khối lượng nephron, tăng lưu giữ natri và mở rộng thể tích ngoại bào, hoạt động quá mức của hệ thống thần kinh giao cảm, kích hoạt các hormone bao gồm cả hệ thống renin-angiotensin-aldosterone. Những cơ chế liên quan đến sự phát triển của tình trạng tăng huyết áp của bệnh nhân mắc bệnh thận gồm có:
- Bệnh thận có liên quan đến sự tăng hoạt động của hệ RAA (renin-angiotensin-aldosterone). Có sự giảm lưu lượng máu trong mao mạch màng bụng ở hạ lưu của cầu thận bị xơ cứng. Kết quả của việc giảm lưu lượng máu là các cầu thận tăng cường renin, do đó làm tăng mức độ angiotensin II lưu hành. Angiotensin II có tác dụng co mạch trực tiếp, làm tăng sức cản mạch máu toàn thân. Do có ít cầu thận hoạt động trong bệnh thận mạn, mỗi cầu thận còn lại phải tăng mức lọc cầu thận (GFR): tăng áp lực động mạch hệ thống giúp tăng áp lực tưới máu. Angiotensin II cũng thúc đẩy tái hấp thu natri ở ống lượn gần và (thông qua aldosterone) ống góp. Hơn nữa, việc giảm mức lọc cầu thận tổng thể làm giảm bài tiết natri, điều này cũng dẫn đến việc giữ natri. Duy trì natri gây tăng huyết áp thông qua các cơ chế phụ thuộc vào thể tích và không phụ thuộc vào thể tích. Thể tích ngoại bào tăng quá mức dẫn đến tăng tưới máu các mô ngoại biên, kích thích co mạch, tăng sức cản mạch ngoại biên và do đó làm tăng huyết áp.
- Hoạt động quá mức của hệ thần kinh trung ương trong bệnh thận mạn kích thích sản xuất renin bởi các tế bào cạnh cầu thận. Ngoài việc kích hoạt thần kinh trung ương bằng cách giữ natri, thiếu máu cục bộ thận cũng dẫn đến kích thích dây thần kinh thận thông qua adenosine. Cuối cùng, các nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng cho thấy rằng mức angiotensin II (cao hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh thận) trực tiếp kích thích hoạt động của hệ thần kinh trung ương.
- Rối loạn chức năng nội mô cũng liên quan đến sinh lý bệnh của bệnh cao huyết áp ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn.
- Một số yếu tố liên quan đến biến chứng bệnh thận cũng có thể góp phần vào tỷ lệ tăng huyết áp cao ở những bệnh nhân mắc bệnh thận.
4. Cách nhận biết huyết áp cao?
Cách duy nhất để biết huyết áp của bạn có quá cao hay không là đo huyết áp. Huyết áp cao thường không gây ra triệu chứng. Đó là lý do tại sao nó được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Kết quả của 1 lần đo huyết áp không có nghĩa là bạn bị huyết áp cao. Nó cần được xác nhận trong các lần tái khám với bác sĩ. Huyết áp được đo bằng hai con số. Con số ở trên, hay huyết áp tâm thu, là áp lực khi tim bạn co bóp. Số ở dưới, hay huyết áp tâm trương là áp lực khi trái tim bạn đang nghỉ ngơi giữa những lần co bóp. Huyết áp bình thường ở người lớn từ 18 tuổi trở lên là dưới 120/80. Những người có huyết áp tâm thu từ 120 đến 139, hoặc huyết áp tâm trương từ 80 đến 89, có thể có nhiều khả năng bị huyết áp cao. Nhìn chung, huyết áp ở mức 140/90 hoặc cao hơn được coi là tăng huyết áp. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, huyết áp từ 130/80 trở lên được coi là cao huyết áp.
5. Điều trị huyết áp cao và bệnh thận như thế nào?
Kế hoạch điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh thận. Mục tiêu điều trị của bệnh nhân mắc bệnh thận kèm tăng huyết áp là:
- Giảm huyết áp xuống dưới 130/80
- Không để bệnh thận tiến triển nặng thêm
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Để giúp đạt được những mục tiêu này, bạn sẽ cần chế độ điều trị gồm thay đổi lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn, kết hợp với dùng thuốc.
Nguồn Vinmec
Đông Dược Thiên Phúc – Hotline: 0888 268 258 – Hãy bảo vệ sức khỏe thận của bạn ngay hôm nay với Thasucavn Extra hỗ trợ bổ thận và phục hồi chức năng thận!