Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Với kinh nghiệm trên 36 năm trong nghề, bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý về nội tiết – đái đường và thận.
Suy thận mạn tính giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận mạn tính biểu hiện bằng hội chứng ure máu, bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các lựa chọn điều trị đối với suy thận mạn tính giai đoạn cuối phổ biến hiện nay là lọc màng bụng, ghép thận và thận nhân tạo.
1. Suy thận mạn tính giai đoạn cuối
1.1 Suy thận mạn tính là gì?
Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính không hồi phục theo thời gian nhiều tháng nhiều năm, do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của các nephron .
Dựa vào mức lọc cầu thận (Glomerular filtration rate:GFR), suy thận mạn chia thành 5 giai đoạn như sau:
1.2 Suy thận mạn tính giai đoạn cuối
Suy thận mạn tính giai đoạn cuối là giai đoạn thứ 5 theo phân loại các giai đoạn của suy thận mạn, cũng là giai đoạn nặng nhất của bệnh với mức lọc cầu thận <15 ml/ph/1.73 m2 da. Giai đoạn này biểu hiện bằng hội chứng urê máu, đây là một hội chứng gây ra không chỉ do sự gia tăng của urê huyết thanh mà còn do sự tăng hơn 100 sản phẩm có nguồn gốc nitơ khác trong máu như peptide, creatinin, aminoacid,.. Đây là một tình trạng nguy hiểm, bệnh nhân sẽ bị tử vong nếu không được điều trị thay thế thận
Các nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn giai đoạn cuối là: đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh cầu thận. Đái tháo đường là nguyên nhân chiếm ưu thế ở các nước phát triển, trong khi bệnh cầu thận là nguyên nhân hàng đầu, chiếm tỉ lệ 30-40% các trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối ở các nước đang phát triển.
2. Các lựa chọn điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối
2.1 Mục tiêu điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối
- Chuẩn bị điều trị thay thế khi suy thận nặng
- Điều chỉnh liều dùng của thuốc ở bệnh nhân suy thận
- Điều trị các biến chứng của hội chứng urê máu cao như thiếu máu, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa canxi-phospho, rối loạn điện giải.
- Điều trị các biến chứng trên tim mạch và các yếu tố nguy cơ khác
2.2 Chỉ định điều trị thay thế thận
Trừ trường hợp người bệnh từ chối điều trị, còn lại mọi bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối với các triệu chứng lâm sàng của hội chứng urê máu cao (thường xảy ra khi độ thanhh thải creatinin < 15ml/phút hoặc sớm hơn trong trường hợp đái tháo đường) đều được chỉ định điều trị thay thế thận.
Các hình thức điều trị thay thế thận có thể lựa chọn bao gồm:
- Thận nhân tạo (hemodialysis, HD)
- Lọc màng bụng (peritoneal dialysis, PD)
- Ghép thận.
3. Ghép thận
Ghép thận là quá trình cấy ghép một quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng còn sống hay đã chết não, hay ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân suy thận mạn tính.
Ưu điểm: Sau khi ghép thận bệnh nhân có thể sống và sinh hoạt bình thường.
Nhược điểm:
- Khó tìm ra thận phù hợp,
- Chi phí ghép và chi phí điều trị duy trì cao,
- Các nguy cơ thải ghép và nhiễm trùng
Ngoài ra, không phải bệnh nhân nào cũng phù hợp với việc ghép thận.Các trường hợp chống chỉ định tương đối với việc ghép thận là:
- Bệnh nhân có nguy cơ thải ghép cao, phản ứng đọ chéo (cross-mathch) của người cho và người nhận dương tính.
- Sức khỏe bệnh nhân không cho phép để thực hiện cuộc mổ.
- Bệnh nhân mắc các bệnh viêm gan virut C, nhiễm khuẩn đường mật, lao,…
- Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, suy tim nặng, xơ gan mất bù,…
4. Lọc màng bụng
Lọc màng bụng (còn gọi là thẩm phân phúc mạc) là phương pháp sử dụng chính màng lọc của người bệnh làm màng lọc các chất chuyển hóa, nước điện giải ra khỏi cơ thể, giúp cân bằng nội môi thay thế cho chức năng thận đã suy yếu.
Trong lọc màng bụng, một ống thông cố định hoặc catheter được luồn vào ổ bụng để đưa dịch lọc vào, dịch lọc giúp hấp thu các chất đào thải và chất độc trong máu. Sau một thời gian, các dịch lọc này sẽ được xả ra và thay thể bằng dịch lọc mới. Lọc màng bụng cấp thường được sử dụng trong chỉ định lọc máu trong suy thận cấp khi không có thận nhân tạo hoặc bệnh nhân chống chỉ định với thận nhân tạo. Lọc màng bụng trong điều trị suy thận mạn tính gồm có hai hình thức đó là:
- Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD): Việc lọc màng bụng thực hiện liên tục trong 24 giờ, tất cả các ngày trong tuần. Người bệnh sẽ tự thay dịch lọc 4-5 lần/ngày.
- Lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP): Việc lọc được thực hiện tại nhà với sự trợ giúp của máy tạo chu kỳ, giúp trao đổi dịch lọc khi ngủ. Máy sẽ tự động thay dịch theo chu kỳ 4-5 lần/đêm, lần thay dịch mới về sáng sẽ được giữ lại trong ổ bụng.
Ưu điểm của các phương pháp lọc màng bụng là bệnh nhân vẫn duy trì được hoạt động bình thường như ghép thận, chất lượng lọc máu tốt, ít tốn kém, huyết áp ổn định, tỷ lệ tử vong thấp trong 3 năm đầu tiên.
Các trường hợp bệnh nhân không được thực hiện lọc màng bụng:
- Chống chỉ định tuyệt đối: mất hoàn toàn chức năng của màng bụng, phúc mạc có sẹo dính làm ngăn cản dịch lọc dẫn lưu, dịch lọc dò lên cơ hoành, không có người giúp thay dịch lọc.
- Chống chỉ định tương đối: mới mổ ghép động mạch chủ bụng, không dung nạp với chứa dịch trong ổ bụng, suy dinh dưỡng nặng, béo phì, nhiễm trùng da, các bệnh đường ruột như viêm ruột thừa, viêm ruột,…
5. Thận nhân tạo
Thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể bệnh nhân bằng máy chạy thận. Máu của bệnh nhân được rút ra và đi qua bộ lọc để lọc các chất cặn trong quá trình chuyển hóa, nước dư thừa sau đó máu được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân.
Chạy thận nhân tạo trong chỉ định lọc máu trong suy thận cấp giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do suy thận cấp từ 70-80% trước đây xuống còn khoảng 10%, các bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối thời gian sống kéo dài và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Chạy thận nhân tạo trong suy thận mạn thường được thực hiện ba lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài tối thiểu bốn giờ, thường được thực hiện tại các bệnh viện hoặc trung tâm lọc máu.
Thận nhân tạo chống chỉ định với các trường hợp bệnh nhân sau: không có đường lấy máu để chạy thận, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nặng, suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh nhân có rối loạn đông máu,…
Phát hiện suy thận sớm có vai trò quan trọng trong kết quả điều trị bệnh, do đó chẩn đoán có ý nghĩa đặc biệt. Xạ hình đánh giá chức năng thận được áp dụng thường quy tại Đơn nguyên Y học hạt nhân, Bệnh viện Vinmec. Đây là kỹ thuật đánh giá chức năng thận bằng cách sử dụng thiết bị ghi đo hiện đại có độ chính xác cao và các chất đánh dấu phóng xạ. Với hình ảnh có chất lượng tốt, xạ hình thận chức năng đã trở thành kỹ thuật không thể thiếu được nhằm thăm dò chức năng thận, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh lý thận và đường tiết niệu.
Hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế sử dụng hệ thống thiết bị SPECT/CT Discovery NM/CT 670 Pro, với CT 16 dãy hiện đại nhất của hãng thiết bị y tế hàng đầu thế giới GE Healthcare (Hoa Kỳ), cho hình ảnh đạt chất lượng cao, giúp chẩn đoán sớm các bệnh lý cần khảo sát.
Đội ngũ chuyên gia bác sĩ Vinmec giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, trực tiếp tư vấn, hỗ trợ tối đa cho khách hàng trong quá trình chụp, kể cả đối với các khách hàng là người nước ngoài.
Nguồn Vinmec
Đông Dược Thiên Phúc – Hotline: 0888 268 258 – Hãy bảo vệ sức khỏe thận của bạn ngay hôm nay với Thasucavn Extra hỗ trợ bổ thận và phục hồi chức năng thận!