Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chạy thận lọc máu (hay thận nhân tạo) và lọc màng bụng là hai phương pháp lọc máu ngoài thận cho bệnh nhân suy thận được sử dụng phổ biến hiện nay. Bài viết sau đây sẽ giải thích cụ thể nguyên lý hoạt động, ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp.
1. Khi nào bệnh nhân được chỉ định lọc máu ngoài thận?
Lọc máu là phương pháp loại bỏ khỏi máu các phần tử là các cặn bã của quá trình chuyển hóa, các chất độc nội sinh, ngoại sinh và nước thừa nhằm khôi phục lại sự cân bằng nội môi. Lọc máu ngoài thận được chỉ định trong các trường hợp sau:
Suy thận cấp: Là một hội chứng ngừng hoặc suy giảm nhanh chóng mức lọc cầu thận, làm suy sụp và mất chức năng tạm thời cả hai thận. Triệu chứng lâm sàng của bệnh là thiểu niệu, vô niệu cấp tính, tiếp theo là tăng nitơ phi protein máu, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, phù và tăng huyết áp.
Bệnh nhân suy thận cấp sẽ được chỉ định lọc máu ngoài thận khi:
- Quá tải tuần hoàn
- Hội chứng ure máu cao có biểu hiện lâm sàng, chảy máu trầm trọng do urê máu cao
- Tăng Kali máu biến đổi trên ECG (K>6.5 mEq/l), không đáp ứng với điều trị nội khoa
- Toan máu nặng (pH<7.2)
- Hạ Natri máu nặng, có triệu chứng (Na<120 mEq)
- Thoái dưỡng tăng cao, Creatinin huyết thanh tăng trên 2mg/dl/ngày, urê tưng trên 30 mg/dl/ngày.
- Khi cần loại bỏ độc chất
Suy thận mạn giai đoạn cuối: Là giai đoạn nặng nhất của bệnh suy thận mạn khi mức lọc cầu thận của bệnh nhân < 15ml/ph/1.73 m2, biểu hiện bằng hội chứng ure máu. Trừ khi người bệnh từ chối, tất cả các bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối với lâm sàng ure huyết cao đều được chỉ định điều trị thay thế thận. Có 3 phương pháp lựa chọn để điều trị thay thế thận cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối là: Ghép thận, lọc màng bụng, chạy thận lọc máu. Tùy từng trường hợp cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp.
Do phương pháp ghép thận chi phí cao, khó tìm ra thận phù hợp và nguy cơ thải ghép, nhiễm trùng cao nên lọc màng bụng và chạy thận lọc máu là hai phương pháp được sử dụng phổ biến hơn.
2. Phương pháp lọc màng bụng
Lọc màng bụng là phương pháp sử dụng màng bụng của chính bệnh nhân làm màng lọc thay thế cho chức năng thận đã suy yếu, giúp loại trừ các chất chuyển hóa, kiểm soát lượng nước và điều hòa các chất điện giải trong cơ thể.
Lọc màng bụng cấp thường được chỉ định trong suy thận cấp hoặc các đợt cấp của suy thận mạn. Bệnh nhân sẽ được đặt một ống thông tạm thời qua thành bụng tới gần túi cùng Douglas. Dịch lọc sẽ được đưa vào khoang màng bụng mỗi lần 2 lít, sau 2 giờ dịch lọc sẽ được tháo ra và thay dịch mới. Thực hiện liên tục cho đến khi ổn định điện giải, nội môi, chức năng thận phục hồi.
Trong bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối có thể sử dụng các hình thức lọc màng bụng liên tục ngoại trú hoặc lọc màng bụng chu kỳ tự động.
Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD)
Lọc màng bụng liên tục ngoại trú là phương pháp lọc máu trong đó dịch lọc luôn hiện diện trong khoang bụng người bệnh, việc lọc được thực hiện 24 giờ trong ngày và liên tục 7 ngày trong tuần. Thông thường dịch lọc được thay khoảng 4-5 lần trong ngày. Để tiến hành lọc, một ống cathter chuyên biệt được đặt vào khoang phúc mạc để có thể đưa dịch và tháo dịch ra khỏi phúc mạc. Quá trình lọc diễn ra như sau:
- Giai đoạn đưa dịch vào: Dịch chưa lọc được đưa vào ổ bụng qua catheter.
- Giai đoạn ngâm dịch: dịch được ngâm trong ổ bụng từ 4-6-8 giờ tùy nồng độ dịch.
- Giai đoạn xả dịch ra: Dịch đã ngâm được xả ra ngoài tự nhiên dưới tác dụng của trọng lực. Sau khi xả hết dịch đã ngâm, bắt đầu lại giai đoạn đưa dịch vào.
Lọc màng bụng chu kỳ tự động (APD)
Lọc màng bụng chu kỳ tự động được chia ra hai hình thức là: Lọc màng bụng liên tục chu kỳ (CCPD) và lọc màng bụng cách quãng ban đêm (NIPD).
Trong lọc màng bụng liên tục chu kỳ, qua một thiết bị trao đổi dịch tự động từ 3-10 lần dịch lưu được đưa vào cơ thể mỗi đêm. Ban ngày, người bệnh được lưu một thể tích dịch lọc màng bụng trong ổ bụng và dịch này được tháo ra trước chu kỳ lọc ban đêm.
Lọc màng bụng cách quãng ban đêm tương tự như lọc màng bụng liên tục chu kỳ, chỉ khác là không có dịch lọc trong bụng ban ngày. Do đó, số lần trao đổi chu kỳ ban đêm được tăng lên để bù lại sự thiếu lần lưu dịch ban ngày.
Ưu điểm, nhược điểm của phương pháp lọc màng bụng
Ưu điểm:
- Đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với người đi làm, đi học.
- Làm thay đổi các chất hòa tan một cách từ từ, nên thích hợp với người có huyết động không ổn định.
- Chế độ dinh dưỡng ít bị hạn chế hơn lọc máu bằng thận nhân tạo, không phải sử dụng thuốc chống đông thường xuyên
- Ít gây thiếu máu ,không bị lây nhiễm viêm gan A,B
- Bảo tồn chức năng thận còn lại
- Thuận lợi cho NB ở xa , còn đi làm việc
Nhược điểm:
- Có thể làm tăng đường máu
- Nguy cơ rò rỉ dịch từ ổ bụng, hạn chế hoạt động cơ hoành và nguy cơ nhiễm trùng nếu thực hiện không đúng hướng dẫn ( viêm phúc mạc , nhiễm trùng chân ống…) ,
3. Phương pháp chạy thận lọc máu
Chạy thận lọc máu hay thận nhân tạo là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể người bệnh. Máu của bệnh nhân được dẫn ra các ống dẫn của máy lọc thận và được lọc các chất cặn quá trình chuyển hóa, các chất độc, nước thừa trước khi được trả về cơ thể. Thận nhân tạo giúp giảm tỷ lệ tử vong bệnh nhân suy thận cấp và kéo dài thời gian sống và chất lượng sống của những bệnh nhân suy thận mạn. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường lọc máu 3 lần mỗi tuần, thời gian lọc mỗi lần kéo dài khoảng 4-5 giờ.
Ưu điểm của thận nhân tạo:
- Việc chạy thận lọc máu được thực hiện tại các bệnh viện, có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, điều kiện vô khuẩn được đảm bảo, các tai biến nếu có được xử trí kịp thời.
- Số lần lọc máu trong tuần thường không quá nhiều, người bệnh có thể sắp xếp lịch sinh hoạt cho phù hợp.
Nhược điểm của thận nhân tạo:
- Bệnh nhân phải thực hiện chế độ ăn nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Có nguy cơ thất thoát máu
- Hạ huyết áp , vọp bẻ , đau đầu
- Nguy cơ viêm gan A, B..
- Các bệnh nhân có bệnh tim mạch nặng khi chạy thận nhân tạo có thể bị rối loạn huyết động
- Thận nhân tạo không chỉ định dược cho các bệnh nhân đang trong tình trạng nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, rối loạn đông máu không cho phép dùng heprin,..
- Phải mổ tay làm fistule A-V
Hai phương pháp lọc máu ngoài thận là lọc màng bụng và thận nhân tạo đều có các ưu và nhược điểm riêng, tùy theo điều kiện cụ thể của từng bệnh nhân và điều kiện của cơ sở y tế mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng các hướng dẫn về điều trị, quy trình thực hiện các thao tác nếu thực hiện lọc màng bụng tại nhà, thực hiện nghiêm túc chế độ ăn cũng như tái khám theo định kỳ để đạt được kết quả điều trị tốt.
Bác sĩ Nguyễn Hùng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I Nội tổng quát – Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh; sử dụng được Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Với kinh nghiệm trên 36 năm trong nghề, trong đó 17 năm là Trưởng khoa Nội thận – nội tiết Bệnh viện Đà Nẵng bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý về nội tiết – đái đường và thận . Hiện tại, là bác sĩ điều trị bệnh nội tiết tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.